Theo sáng kiến của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện Mắt TƯ đã phối hợp cùng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam với sự chỉ đạo của Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam thực hiện chương trình phẫu thuật “Vì ánh mắt trẻ thơ” tại Bệnh viện Mắt TW bắt đầu từ tháng 5/1998. Đến nay chương trình này đã triển khai năm thứ 7 (1998-2004), đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ:
– Chương trình ngày càng phát triển mạnh cả về số ca phẫu thuật và cả về địa bàn hoạt động. Lúc đầu các cháu chỉ được phẫu thuật tại Bệnh viện Mắt TW ( cho 11 tỉnh thành gần khu vực Hà Nội), đến nay đã triển khai ở tất cả các tỉnh trên cả nước
– Tổng số hơn 10.000 cháu đã được phẫu thuật mắt. Năm 2003 phẫu thuật cho 3165 ca, gồm tất cả các loại bệnh mắt trẻ em, trong đó chủ yếu là các bệnh: lác (49%), sụp mi (31%), đục thể thuỷ tinh bẩm sinh (13%), glôcôm bẩm sinh (0,4%), các bệnh mắt khác như quặm bẩm sinh, u kết giác mạc, tạo đồng tử …(7%)
– Phong trào chăm sóc mắt cho trẻ em ngày càng được quan tâm trên cả nước, nhiều đơn vị đã ủng hộ chương trình thông qua Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam, ngoài ra còn nhiều Tổ chức, ngành và các tỉnh đã trợ giúp tiền và tổ chức phẫu thuật mắt cho trẻ em như Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh, Tổ chức CRS, Dầu khí Vũng Tầu và UBND một số tỉnh thành.
– Chương trình ngày càng có uy tín trong nhân dân, được nhiều người tin tưởng, mong đợi và đưa con em đi phẫu thuật.
Một số vấn đề tồn tại cần khắc phục:
– Chất lượng phẫu thuật chưa đồng đều ở các tỉnh thành. Năm 2003 Quỹ Bảo trợ trẻ em VN và Bệnh viện Mắt TW đã tổ chức kiểm tra và đánh giá kết quả phẫu thuật ở các tỉnh Thanh Hoá, Đà Nẵng, Quảng Nam và Bạc Liêu cho thấy: kết quả phẫu thuật đa số là tốt, tuy nhiên còn một số ca chỉ định phẫu thuật chưa hợp lý dẫn đến kết quả phẫu thuật chưa đạt yêu cầu.
– Thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa UB Dân số Gia đình trẻ em của tỉnh với các bác sỹ nhãn khoa địa phương. Một số Uỷ ban muốn mời trực tiếp các bác sỹ tuyến TW về khám sàng lọc để đảm bảo tất cả các cháu được chuyển về Bệnh viện Mắt TW đều đúng chỉ định và đều được phẫu thuật, như vậy thì các bác sỹ nhãn khoa ở địa phương không có điều kiện để học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, điều này không đáp ứng được mục tiêu của chương trình là đào tạo tại chỗ các bác sỹ tỉnh mà làm phí nhân lực của tuyến TW, trong khi bệnh nhân ở tuyến này khá đông.
Một số đề nghị cho các năm tới
– Các bác sỹ Chuyên khoa mắt tuyến tỉnh cần đảm trách khâu khám sàng lọc bệnh nhân, tiến tới có thể tự phẫu thuật được một số bệnh mắt đơn giản và ở trẻ lớn. Khám sàng lọc để lựa chọn bệnh nhân phẫu thuật là khâu cực kỳ quan trọng để tránh phiền hà, tốn kém cho nhân dân và các trung tâm phẫu thuật.
– Cần nâng cao chất lượng phẫu thuật cho bệnh nhân, cần chú ý từ các khâu khám phát hiện bệnh kịp thời, chuẩn bị trước phẫu thuật (như tập luyện nhược thị…), phẫu thuật, chăm sóc và theo dõi hậu phẫu…. Cung cấp đủ trang thiết bị máy móc chuyên khoa .
– Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ để nâng cao kiến thức cơ bản cho nhân dân phòng ngừa và phát hiện các bệnh về mắt. Qua thực tế thấy rằng đa số các cháu được đưa đi khám và chữa mắt quá muộn, gây ảnh hưởng lớn đến kết quả phẫu thuật .