GS.TS Nguyễn Trọng Nhân người thầy của nhiều thế hệ thầy thuốc Nhãn khoa

GS.TS Nguyễn Trọng Nhân – Là một người ham thích làm khoa học, chưa từng nghĩ sẽ làm lãnh đạo, thế nhưng khi lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Viện phó, Viện trưởng rồi Bộ trưởng, ở bất kỳ cương vị nào, GS.TS. Nguyễn Trọng Nhân cũng luôn thực hiện chức trách được giao một cách tốt nhất và hết sức tự nhiên…
GS.TS. Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Trọng Nhân là bác sĩ nhãn khoa nổi tiếng trong nước và quốc tế. Ông quê ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Từng tham gia bộ đội, từng đánh trận Tây Bắc. Thời gian từ năm 1953 đến 1960, ông được cử đi học Y khoa tại Trường đại học Y khoa Sechenov (Matxcova – Liên Xô). Trong thời gian này, ông đã nghiên cứu bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện Philatốp, Odessa, Liên Xô. Từ năm 1964, ông về Việt Nam và công tác tại Viện Mắt Trung ương, sau này tham gia giảng dạy và Chủ nhiệm Bộ môn Mắt tại Trường đại học Y Hà Nội.

GS.TS. Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Trọng Nhân.

Tinh thần cách mạng được hun đúc từ nhỏ

Sinh ra trong một gia đình cách mạng, từ bé GS Nguyễn Trọng Nhân được đọc nhiều sách báo tiến bộ của Việt Minh, từ đó được hun đúc tinh thần dân tộc. Năm 1945, khi ấy mới 15 tuổi, trường GS học chuyển từ Hà Nội về Hưng Yên nên khi cách mạng bùng nổ, GS tham gia cướp chính quyền ở Hưng Yên. Sống trong không khí sục sôi cách mạng lúc đó, ai cũng bị lôi cuốn theo dòng thác cách mạng. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, anh trai GS nhập ngũ, GS muốn đi nhưng cha GS không cho mà bắt ở nhà với mẹ vì nhà không còn ai.

GS. Nguyễn Trọng Nhân tham dự Đại hội Nhãn khoa Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ XII tại Seoul, Hàn Quốc 1989.

Năm 1950, có phong trào học sinh tòng quân, gia đình GS lúc đó đang sơ tán về Hà Nam, GS cùng em trai xếp áo quần và từ biệt mẹ lên đường tòng quân. Lúc đó, hòa nhập với tinh thần yêu nước là sự theo chân với bạn bè, thấy bạn bè sôi nổi thì cũng hăng hái tham gia cách mạng để thể hiện lòng yêu nước. GS vào học trường sĩ quan pháo binh và được gọi vào trung đoàn chuẩn bị qua Trung Quốc để nhận pháo viện trợ. Tuy nhiên khi trung đoàn chưa xuất phát thì chiến dịch Hoàng Hoa Thám nổ ra ở Quảng Ninh, quân ta bị thiệt hại nặng nên Bộ Tổng tham mưu lại điều một số cán bộ về. Về đến Thái Nguyên, GS được bổ sung vào đại đoàn 312. Năm 1953, có lệnh từ trên xuống lựa chọn một số chiến sĩ có trình độ văn hóa cho đi học tập ở Liên Xô để về phục vụ đất nước sau khi kháng chiến kết thúc. GS cùng với một số người được cử đi học ở Liên Xô, là đoàn thứ hai sang đó học. Từ tham gia cách mạng, cướp chính quyền, nhập ngũ và được cử đi học, tất cả đều trên cơ sở tinh thần yêu nước. Lúc đó, tất cả mọi người đều bị lôi cuốn bởi một tinh thần dân tộc cao cả. Tinh thần dân tộc là giá trị lớn nhất lúc đó.

Nhà lãnh đạo ham thích làm khoa học

TS. Nguyễn Trọng Nhân và 2 bệnh nhân được ghép giác mạc nhân tạo đầu tiên ở Việt Nam.

Là một người thực sự ham thích làm khoa học, GS từng nói chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm lãnh đạo. “Tôi cảm thấy công việc quản lý rất phức tạp, rắc rối, vì thế tôi không quan tâm đến lĩnh vực này”. Vậy mà GS lại lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Viện phó, Viện trưởng rồi Bộ trưởng một cách hết sức tự nhiên và ở bất kỳ cương vị nào GS cũng luôn thực hiện chức trách được giao một cách tốt nhất.

GS. Nguyễn Trọng Nhân và GS. Fred Hollows trao đổi về máy hiển vi phẫu thuật, 1982.

Là một thầy thuốc tận tâm, một nhà giáo mẫu mực, một nhà hoạt động xã hội tích cực, khi công tác tại Viện Mắt Trung ương, GS Nguyễn Trọng Nhân đã có hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học đưa các ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới áp dụng vào công tác khám, điều trị cho bệnh nhân về mắt. GS cũng là một trong những người tiên phong trong việc áp dụng phương pháp ghép giác mạc cho bệnh nhân bị bệnh lý giác mạc, điển hình là ca ghép cho anh thương binh bị mù 2 mắt do đạn pháo Lê Duy Ứng. Bằng phương pháp ghép giác mạc, GS đã đem lại ánh sáng, đem lại hạnh phúc và cuộc sống mới cho những bệnh nhân không nhìn thấy được do bệnh lý giác mạc gây ra. Khi GS vừa là bác sĩ chữa bệnh vừa là nhà quản lý bệnh viện, ông đã cùng đội ngũ lãnh đạo, cán bộ viên chức của bệnh viện tiến hành xây dựng bệnh viện phát triển hơn phục vụ bệnh nhân tốt hơn. GS cũng là một người thầy giáo mẫu mực đào tạo hướng dẫn cho hàng trăm các bác sỹ Nhãn khoa trong đó có những người nổi tiếng trong ngành Nhãn khoa trong và ngoài nước sau này như: GS. Tôn Thị Kim Thanh, GS. Đỗ Như Hơn, PGS. Hoàng Minh Châu…)

Tổng Thư ký Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Phạm Thế Duyệt tặng bằng Lao động sáng tạo đặc cách đầu tiên của TLĐ cho TS. Nguyễn Trọng Nhân.

Vị Bộ trưởng thẳng tính và Người đấu tranh vì công lý

Trong công tác quản lý, GS là người thẳng tính, luôn chủ trương chống tham nhũng. Lúc GS về nhậm chức Bộ trưởng, Bộ Y tế đang có nhiều chuyện tham nhũng, ngay trong cơ quan bộ cũng như các cơ quan trực thuộc bộ. Đầu tiên là ông cho thanh tra Vụ Quản lý dược, sau đó phát hiện ra nhiều sai trái trong việc quản lý ở vụ này như: Việc nhập thuốc ồ ạt, nhũng nhiễu, gây khó khăn trong việc cấp phép để làm tiền doanh nghiệp khiến rất nhiều đơn vị gửi thư từ than phiền… Ngay tức khắc, khi có kết quả chính thức, ông đã đình chỉ ngay người đứng đầu là Vụ trưởng Vụ Quản lý dược lúc bấy giờ. Khi đã có toàn bộ kết quả thanh tra, ông chủ trì nhiều cuộc họp hội đồng kỷ luật để xử lý những cá nhân sai trái.

GS. Nguyễn Trọng Nhân – Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam phát biểu khai mạc và tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân đạt thành tích tại Đại hội đại biểu Hội Nhãn khoa Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020.
GS. Nguyễn Trọng Nhân – Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam phát biểu khai mạc và tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân đạt thành tích tại Đại hội đại biểu Hội Nhãn khoa Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020.

GS.TS. Nguyễn Trọng Nhân là vị Bộ trưởng đầu tiên đặt chân đến nước Mỹ trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ (tháng 3/1994). Trong chuyến đi sang Mỹ, ông được cựu Tổng thống G.Bush (cha) mời gặp để bàn về vấn đề quan hệ hợp tác giữa 2 nước. Sau đó, năm 2000, khi sang thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Bill Clinton đã hủy nhiều cuộc gặp quan trọng khác để dành 15 phút gặp ông, lúc này ông không còn ở vị trí Bộ trưởng Bộ Y tế nữa mà chỉ là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Biết thời gian ngắn ngủi 15 phút sẽ khó để nói được nhiều điều, ông đã viết sẵn một bức thư tâm huyết gửi ngài Tổng thống Hoa Kỳ.

Trân trọng những tâm huyết của người đứng đầu Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Tổng thống Bill Clinton đã trả lời ông: “Cảm ơn bức thư đầy xúc động của Ngài, bày tỏ tâm huyết đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Tôi xin chia sẻ với Ngài mối quan tâm lo lắng về những khó khăn, bệnh tật và tâm lý mà các nạn nhân đang phải đối mặt. Tôi đồng ý rằng, cần thiết phải làm cùng lúc nghiên cứu khoa học và nỗ lực trợ giúp nhân đạo của cả hai nước chúng ta. Tôi ca ngợi sự nghiệp khó khăn và sự cống hiến của Ngài trên cương vị là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”.

Khi bắt đầu giữ vị trí Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (năm 1987), GS. Nguyễn Trọng Nhân hiểu rõ về nỗi đau mà các nạn nhân da cam/dioxin phải gánh chịu. Công việc trong Hội Chữ thập đỏ đã đưa ông đến gần hơn, hiểu hơn và lương tâm bắt buộc ông phải lên tiếng.

Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, GS Nguyễn Trọng Nhân đã đóng góp rất nhiều cho ngành Y nói chung và ngành Nhãn Khoa nói riêng cũng như cho xã hội, tuy nhiên GS vẫn luôn luôn khiêm tốn coi đó là những đóng góp nhỏ cho xã hội cho cuộc đời. GS tâm niệm rằng: “Trong cuộc đời, không riêng gì tôi cả, mà hầu hết tất cả mọi người, nếu không tuyệt đối cũng là đa số, mỗi người đều có thể tự hào về một số việc mình đã làm được và ân hận về một số việc không làm được. Không ai làm được tất cả mọi thứ theo mong muốn…”

 

 

TÓM TẮT TIỂU SỬ GS NGUYỄN TRỌNG NHÂN

Sinh ngày: 4-10-1930

Quê quán: Bình Nghĩa, Bình Lục, Hà Nam

Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam

Được cấp bằng Tiến sĩ năm 1964

Được công nhận chức danh Giáo sư Y học năm 1984

Quá trình học tập và công tác:

– 1950-1953: Phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

– 1953-1960: Học y khoa tại Trường Đại học Y khoa Sechenov (Matxcơva – Liên Xô).

– Bảo vệ Luận án Tiến sĩ năm 1964 tại Viện Philatốp, Odessa, Liên Xô.

– 1964-1985: Công tác tại Viện Mắt Trung ương. Sau này tham gia giảng dạy và là Chủ nhiệm Bộ môn Mắt, Trường Đại học Y Hà Nội.

– 1975 Phó Viện trưởng Viện Mắt Trung ương.

– 1984 Viện trưởng Viện Mắt trung ương

– 10/1992 Bộ trưởng bộ Y tế kiêm viện trưởng Viện Mắt trung ương

– Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam.

– Ủy viên thường vụ Tổng hội Y Dược học Việt Nam.

– 1990-1995: Phó Chủ tịch Tổng Hội Y Dược học Việt Nam.

– 1986-1996: ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII.

– Từ 1992 : Đại biểu Quốc hội khóa IX, X.

– 1992-1995: Bộ trưởng Bộ Y tế, Bí thư Ban cán sự Đảng bộ Bộ Y tế.

– 1987-2003: Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

– Phó chủ tịch Hội chất độc màu da cam

– Nghỉ hưu từ năm 2003.

Thành tích nổi bật:

Trước khi là lãnh đạo Ngành Y tế, GS.TS. Nguyễn Trọng Nhân được biết đến là một trong những chuyên gia đầu ngành của nhãn khoa Việt Nam.

GS.TS. Nguyễn Trọng Nhân cũng là người đầu tiên của Ngành Y tế trở thành ủy viên Trung ương Đảng (khóa VI, VII).

Thẳng thắn phê phán cái xấu, nghiêm khắc lên án và đòi hỏi chống tham nhũng đến nơi đến chốn là phong cách nổi bật của đại biểu Quốc hội Nguyễn Trọng Nhân trong suốt các nhiệm kỳ mà ông tham gia.

Ông cũng là một nhà ngoại giao rất hiệu quả. Với cương vị là Bộ trưởng Bộ Y tế, ông đã cùng ban lãnh đạo Bộ đề ra nhiều chính sách để phát triển sự nghiệp y tế nước nhà, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Khen thưởng:

– Được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hàng nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Ba; Huy chương Chiến thắng hạng Nhất; Huân chương Chữ thập đỏ Hàn Quốc, Nhật; Bằng khen của Hội Nhãn khoa châu Á, Thái Bình Dương.

– Danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1985.

– Danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân năm 1989.

Và nhiều danh hiệu cao quý khác