Chăm sóc mắt cận thị và những điều cần biết

Người cận thị thường sẽ đeo kính theo chỉ định. Tuy nhiên, đeo kính chỉ là một trong những biện pháp để điều chỉnh thị lực. Để mắt khỏe và hạn chế tăng độ cận, người cận thị cần có chế độ chăm sóc đặc biệt hơn cho đôi mắt. Sau đây các phương pháp chăm sóc mắt giúp giảm cận thị để giữ đôi mắt khỏe, hạn chế tăng độ cận.

Xem thêm: Những yếu tố ảnh hưởng đến thị lực

Đeo kính đúng số

Để có thể dùng kính đúng số, bạn nên khám và đo khúc xạ ở cơ sở đảm bảo, có bác sĩ chuyên khoa mắt khám, kỹ thuật viên khúc xạ được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm; chỉ đo và cắt kính đeo mắt ở cơ sở đã được cấp phép.

Nếu không khám mắt, lại đo và cắt kính ở cơ sở không có chuyên môn, bạn sẽ dễ bị đeo kính không đúng độ, kính cắt không đúng quy chuẩn và đương nhiên điều đó sẽ ảnh hưởng đến việc điều chỉnh thị lực của bạn.
Trong quá trình đo và cắt kính, bạn sẽ được yêu cầu đeo thử kính để chọn kính phù hợp. Nếu trong quá trình này bạn thấy kính đeo thử không thoải mái (gây chóng mặt, khó chịu, khó nhìn…) thì cần nói lại với kỹ thuật viên cắt kính hoặc bác sĩ để điều chỉnh.

Không nên “cố đấm ăn xôi”, ngại thay đổi, muốn cắt kính cho nhanh mà phải đeo cặp kính không phù hợp. Ngoài ra nên đi khám khúc xạ định kỳ để phát hiện tật khúc xạ thay đổi để có thể thay kính định kỳ.

Sử dụng mắt hợp lý

Không phải đã cận rồi thì… mặc kệ, không cần để ý chăm sóc đến đôi mắt nữa. Người bị cận càng cần phải có chế độ sinh hoạt hợp lý, không để mắt làm việc quá sức khiến mắt yếu thêm.

Nếu công việc bắt buộc phải sử dụng máy tính hàng ngày thì người cận thị chú ý không làm việc trên máy tính quá lâu. Sau khoảng 1 giờ làm việc, nên để mắt nghỉ ngơi (lúc nghỉ ngơi, bạn có thể đứng dậy đi chỗ khác, tập nhìn xa, …).

Trẻ em cận sau khoảng thời gian học từ 45- 60 phút cần nghỉ giải lao 5-10 phút để mắt nghỉ ngơi, thư giãn.

Xem thêm: Cách hạn chế tăng độ cận hiệu quả

Tập nhìn xa

Việc tập nhìn xa nên duy trì hàng ngày vào những thời điểm thích hợp như: buổi sáng khi vừa ngủ dậy, cuối giờ làm việc, hoặc trong ngày – giữa giờ làm việc.

Thời gian tập nhìn xa nên khoảng 15-30 phút (nên nhìn về phía chân trời, nơi có màu xanh dịu). Nếu bạn ở nơi khó có thể tìm chỗ nhìn xa vào giữa giờ làm việc thì nên cố gắng dành thời gian tập mắt vào buổi sáng (khi tập thể dục) hoặc cuối tuần (khi ra ngoài trời dã ngoại như đi công viên, ra khu vui chơi công cộng…). Nên xoa nhẹ, mát xa mắt nhẹ nhàng trong khi nghỉ ngơi tập mắt.

Xem thêm: Nguyên nhân khiến mắt tăng độ cận

Tăng cường vui chơi ngoài trời

Điều này được khuyến khích, đặc biệt với trẻ em cận thị.Ngoài thời gian học tập và làm việc, mọi người nên sắp xếp thời gian hòa mình vào thiên nhiên, rèn luyện sức khỏe như: đi bộ, đi xe đạp, hạn chế xem ti vi và điện thoại.

Với trẻ em, cha mẹ, thầy cô nên khuyến khích các em ra chơi giữa giờ (không ngồi lì trong lớp đọc truyện tranh hoặc làm các việc khác). Những lúc nghỉ giải lao giữa giờ học là thời gian mắt cần được thư giãn, nghỉ ngơi.

Sau giờ học hàng ngày và vào dịp cuối tuần, nên khuyến khích các em chơi thể thao. Cha mẹ nên đưa con ra ngoài trời nhiều hơn là để con ở nhà trong 4 bức tường với ti vi, máy tính, điện thoại.

Khoa học đã chứng minh, ánh sáng tự nhiên rất có lợi cho sức khỏe nói chung; tiếp xúc nhiều với ánh sáng tự nhiên sẽ giúp đôi mắt sáng khỏe.

Xem thêm: Chăm sóc mắt cho trẻ tránh mắc tật khúc xạ

Dinh dưỡng hợp lý

Theo các chuyên gia nhãn khoa, chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng giúp đôi mắt sáng khỏe hơn. Ngoài việc ăn đa dạng, đủ chất để đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể, người cận thị nên chú ý cung cấp thêm một số vitamin cần thiết như: Vitamin A, C, E, kẽm…

Vì các vitamin này có tác dụng trong việc tăng cường thị lực, chống lại sự nguy hại của quá trình ô xy hóa. Tuy nhiên, sử dụng vitamin bổ sung không nên tùy tiện. Tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ nhãn khoa trước khi bổ sung các vitamin cho cơ thể để có lời khuyên phù hợp.

Xem thêm: Những thực phẩm giúp đôi mắt sáng

Ngồi học và làm việc đúng tư thế

Học sinh, sinh viên và mọi người nói chung khi học tập, làm việc có sử dụng đến mắt cần đảm bảo ngồi đúng tư thế. Khoảng cách từ mắt đến sách khoảng 30 -40 cm.

Bàn nên được kê ở nơi đầy đủ ánh sáng. Nếu có ánh sáng tự nhiên càng tổt, nếu không thì cần dùng đèn bàn, bóng tròn có công suất từ 40 – 60w hoặc đèn Halogen.

Ở trẻ em, việc điều chỉnh tư thế ngồi học rất quan trọng, giúp mắt có khoảng cách điều tiết hợp lý. Bàn ghế sử dụng cũng cần phù hợp với lứa tuổi giúp người sử dụng không phải cúi sát sách vở, tránh cận nặng thêm, với trẻ em thì ngồi đúng tư thế còn tránh cong vẹo cột sống. Không nên nằm khi đọc sách, viết bài hay xem ti vi.

Xem thêm: Cách chăm sóc mắt khi sử dụng máy tinh

Khám mắt định kỳ

Người cận thị cần chú ý khám mắt định kỳ khoảng 6 tháng – 1 năm/lần để theo dõi và đề phòng các biến chứng của cận thị như: đục dịch kính, bong võng mạc… Trẻ em có tật khúc xạ như cận thị nên được khám đo thị lực định kỳ 6 tháng/lần. Khám định kỳ sẽ giúp phát hiện sự thay đổi độ cận và kịp thời điều chỉnh kính phù hợp.

Nơi khám vẫn nên là các cơ sở chuyên khoa mắt ở tỉnh hoặc thành phố sẽ có bác sĩ chuyên khoa, các trang thiết bị phù hợp cho việc khám mắt giúp việc thăm khám chính xác hơn.

Tham khảo: Khám khúc xạ mắt cho trẻ để phát hiện sớm tật khúc xạ