Chấn thương giác mạc do lao động

Chấn thương giác mạc do lao động xưa nay không phải chuyện hiếm. Bệnh viện mắt vừa tiếp nhận một ca giác mạc bị tổn thương do cưa sắt. Đi khám, người đàn ông cho biết đây là lần thứ 3 anh bị chấn thương mắt do mạt sắt bắn vào.

Chấn thương vì… công việc

Bệnh nhân là Nguyễn Văn K (sinh năm 1975, ở Nam Định). Ngày 7/3/2018, anh đến Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Hà Nội (cơ sở 532 đường Láng, Đống Đa, Hà Nội) khám vì bị cộm mắt, chảy nước mắt. Bệnh nhân cho biết, anh là thợ sắt. Chiều tối hôm trước, trong khi cưa sắt, anh bị mạt sắt bắn vào một bên mắt. Trước đây, anh đã 2 lần gặp tai nạn như vậy, phải đến bệnh viện để gắp mạt sắt trong mắt; ở mắt cũng đã có sẹo giác mạc. Biết chấn thương mắt do mạt sắt bắn vào là nguy hiểm, nhưng vì công việc nên anh vẫn phải tiếp tục làm, chấp nhận rủi ro có thể xảy ra.

Theo chia sẻ từ anh K, thực ra anh cũng biết nếu trong khi làm việc, có kính bảo vệ mắt thì sẽ hạn chế được chấn thương. Nhưng khi nhìn qua lớp kính bảo hộ, nếu chỉ hàn xì thông thường thì không sao, nếu thực hiện các công đoạn cắt sắt thì anh rất khó làm vì cắt sắt yêu cầu độ chính xác cao, cần nhìn rõ hơn…“Chẳng qua cũng vì công việc, vì cuộc sống chị ạ, chứ chẳng ai muốn tai nạn thế này” – anh K phân trần trong khi chờ bác sĩ kê đơn thuốc. Sau khi bị mạt sắt bắn vào mắt, mắt anh K trở nên cộm, khó chịu, đêm nằm cứ chảy nước mắt. Tuy anh sốt sắng với việc khám – điều trị, nhưng nếu cứ tiếp tục công việc cắt sắt mà không có kính bảo hộ, tai nạn tiếp tục xảy ra là điều khó tránh khỏi.

Rất dễ tổn thương giác mạc từ những điều “vô tình”, “đơn giản”

BS Lưu Hồng Ngọc, Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Hà Nội cho biết, tại phòng khám của Bệnh viện Mắt Sài Gòn, nhiều bệnh nhân được phát hiện có tổn thương giác mạc. Khi truy nguyên sự việc, có những người không nhớ hoàn cảnh bị tổn thương (gặp tai nạn lúc nào cũng không biết), có người đi làm đồng, lấy tay quệt ngang mắt, ấy thế mà xước giác mạc; hoặc có người bị tờ giấy A4 quệt ngang mặt cũng bị tổn thương giác mạc (do cạnh của tờ giấy rất sắc và sẽ tạo ra vết cắt ở bề mặt giác mạc)…

Trường hợp như bệnh nhân K, chưa cần bác sĩ tư vấn, bệnh nhân đã hiểu rõ nguyên nhân và nguy cơ tổn thương giác mạc từ công việc cắt sắt của mình, nhưng bệnh nhân vẫn chấp nhận làm việc mà không có kính bảo hộ, vì vậy bác sĩ cũng không thể làm gì khác ngoài việc dặn dò bệnh nhân thật cẩn thận trong khi làm việc, nếu có gì bất thường ở mắt, phải đến viện ngay.

Tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Hà Nội, gần đây cũng có trường hợp một bệnh nhân 54 tuổi bị bụi bay vào mắt, sau đó bị chảy nước mắt, khó mở mắt. Sau vài ngày điều trị ở chỗ bác sĩ gần nhà (không rõ bác sĩ có chuyên khoa mắt hay không, thuốc bác sĩ dùng cho bệnh nhân là thuốc gì?), sau đó tình trạng mắt bệnh nhân nặng nề hơn, khi đến viện thì đã được phát hiện viêm loét giác mạc. Hiện mắt bệnh nhân này đã ổn hơn, không còn ra mủ nhiều, nhưng do tổn thương khá nặng nề, sẹo giác mạc dày và sâu, thị lực kém nên bác sĩ đang tính đến phương án ghép giác mạc để đem lại ánh sáng cho bệnh nhân.

Lại có trường hợp một thanh niên sau khi bị vật gì đó bắn vào mắt nhưng không điều trị dẫn đến viêm loét giác mạc và sau đó bị thủng giác mạc. Nam thanh niên này đã phải ghép giác mạc. Giác mạc là một mô trong suốt, giống như một thấu kính với một mặt lồi (mặt trước, bán kính cong 7,8 mm) và một mặt lõm (mặt sau, bán kính cong 6,6 mm), hình dạng hơi oval với đường kính dọc 9-11 mm và đường kính ngang 11-12 mm. Giác mạc bao gồm 5 lớp, từ trước ra sau là biểu mô, màng đáy và màng Bowman, nhu mô, màng Descemet và nội mô.

Khi không may tai nạn như có dị vật bắn vào mắt, dù sao đó cảm thấy mắt dường như không vấn đề gì, hoặc chỉ hơi khó chịu một chút (hơi cộm, hơi kích thích…) thì mọi người vẫn nên đi khám chuyên khoa mắt để xác định tổn thương. Nếu tồn tại dị vật trong mắt, bác sĩ sẽ lấy dị vật ra, đồng thời điều trị tổn thương. Dị vật nông giác mạc cần được lấy một cách cẩn thận sau khi gây tê bề mặt. Dị vật sâu nên lấy tại phòng mổ dưới kính phóng đại. Sau lấy dị vật, cần chăm sóc mắt cẩn thận bằng thuốc kháng sinh và các thuốc tăng cường dinh dưỡng tra tại chỗ. Bệnh nhân cũng cần khám lại mắt theo lịch hẹn để phát hiện kịp thời biến chứng viêm loét giác mạc.