Giác mạc hình chóp căn bệnh hiếm gặp ở mắt

Giác mạc hình chóp (hình nón) – Keratoconus là tình trạng giác mạc không có hình cầu mà lồi ra ngoài thành hình chóp. Giác mạc là lớp trong suốt phía trước mắt, cùng với thủy tinh thể giúp tập trung ánh sáng đến đúng võng mạc, giúp nhìn thấy vật.

Giác mạc hình chóp có thể gây ra thị lực mờ và khiến bệnh nhân nhạy cảm với ánh sáng. Giác mạc hình chóp thường ảnh hưởng đến cả hai mắt và thường bắt đầu xuất hiện từ độ tuổi 10 đến 25. Tình trạng bệnh có thể tiến triển chậm trong 10 năm hoặc lâu hơn.

Trong giai đoạn đầu của giác mạc hình chóp có thể được điều trị bằng kính gọng hoặc kính áp tròng bình thường. Giai đoạn nặng hơn bạn cần đeo kính áp tròng thấm khí cứng. Nếu tình trạng của bệnh tiến triển đến giai đoạn cuối, bệnh nhân có thể cần cấy ghép giác mạc.

Triệu chứng giác mạc hình chóp

Giác mạc bình thường và giác mạc hình chóp

Các dấu hiệu và triệu chứng của giác mạc hình chóp có thể thay đổi khi bệnh tiến triển:

  • Tầm nhìn mờ hoặc méo mó
  • Tăng độ nhạy cảm với ánh sáng
  • Tật cận thị tiến triển nặng và nhanh hơn
  • Nhức đầu
  • Đỏ mắt
  • Mỏi mắt

Nguyên nhân giác mạc hình chóp

Không ai biết được nguyên nhân chính xác của bệnh giác mạc hình chóp. Tuy nhiên các nhà khoa học tin rằng yếu tố di truyền, môi trường hoặc nội tiết tố có ảnh hưởng ít nhiều đến bệnh.

Di truyền

Một số khiếm khuyết di truyền khiến những sợi protein nhất định trong giác mạc trở nên suy yếu. Những sợi này giúp giác mạc có độ cong hoàn hảo, khi những sợi này bị yếu, giác mạc sẽ biến dạng và phình ra phía trước.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học những gia đình từng có người bị giác mạc hình chóp thì khả năng thế hệ sau cũng bị bệnh là rất cao.

Môi trường

Những ai bị giác mạc hình chóp thường mắc các chứng di ứng như hen suyễn, eczema và dị ứng thức ăn. Những người bị dị ứng nếu dụi mắt quá nhiều lần có thể gây tổn thương giác mạc, tạo cơ hộ cho bệnh giác mạc hình chóp phát triển.

Một quan điểm khác dẫn đến bệnh giác mạc hình chóp là stress oxy hóa. Vì một số lý do, những người bị bệnh giác mạc hình chóp có sự giảm chất chống oxy hóa trong giác mạc, khiến collagen trong giác mạc trở nên suy yếu.

Sụt giảm chất chống oxy hóa có thể do quá trình dài tiếp xúc với chất phóng xạ.

Nội tiết tố

Bệnh giác mạc hình chóp thường phát triển sau tuổi dậy thì và ít phát triển sau tuổi 40. Bệnh cũng thường xuất hiện ở phụ nữ mang thai.

Biến chứng

Trong một số trường hợp, giác mạc có thể phình lên nhanh chóng và gây ra giảm đột ngột thị lực và sẹo giác mạc. Điều này là do lớp lót bên trong giác mạc bị phá vỡ, cho phép chất lỏng xâm nhập vào giác mạc.

Khi bệnh tiến triển giai đoạn nặng, giác mạc có thể bị sẹo, đặc biệt là nơi giác mạc phình lên. Sẹo giác mạc gây ra các vấn đề về thị lực nghiêm trọng và có thể cần phẫu thuật ghép giác mạc.

Chẩn đoán

Phương pháp địa hình giác mạc giúp chẩn đoán giác mạc hình chóp

Thông thường loạn thị là biểu hiện đầu tiên của bệnh nhân mắc giác mạc hình chóp. Sau đó bệnh nhân sẽ bị cận thị, và chứng cận thị sẽ ngày một phát triển nặng.

Khi nghi ngờ cận thị phát triển nhanh hơn bình thường, các bác sĩ sẽ đo độ dốc của giác mạc bằng 1 giác mạc kế. Khi nhận thấy độ dốc tăng quá nhanh theo thời gian, các bác sĩ sẽ kiểm tra địa hình giác mạc. Đây 1 phương pháp giúp lập bản đồ các hình dạng và độ dốc của giác mạc.

Cùng với việc kiểm tra mắt toàn diện, các bác sỹ nhãn khoa cũng sẽ thực hiện kiểm tra đèn khe, sử dụng 1 kính hiển vi sinh học thẳng đặc biệt để kiểm tra giác mạc. Thông thường, bệnh nhân mắc bệnh giác mạc hình chóp sẽ có nếp nhăn trong giác mạc của họ được gọi là vân Vogt.

Điều trị giác mạc hình chóp

Điều trị bệnh phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh và tình trạng tiến triển bệnh. Giác mạc hình chóp nhẹ đến trung bình có thể được điều trị bằng kính mắt hoặc kính áp tròng.

Đối với hầu hết mọi người, giác mạc sẽ trở nên ổn định sau một vài năm. Trong trường hợp này, bệnh nhân có thể sẽ không gặp phải vấn đề về thị lực nghiêm trọng hoặc cần điều trị thêm.

Ở một số người bị bệnh nặng hơn, giác mạc bị sẹo hoặc đeo kính áp tròng trở nên khó khăn. Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ khuyên nên phẫu thuật ghép giác mạc

Đeo kính

  • Kính gọng hoặc kính áp tròng mềm. Kính gọng hoặc kính áp tròng mềm có thể điều chỉnh thị lực mờ hoặc méo trong giai đoạn đầu của bệnh.
  • Kính áp tròng cứng. Kính áp tròng cứng thường dùng để điều trị khi bệnh tiến triển tới giai đoạn tiếp theo. Thời gian đầu đeo kính áp tròng cứng bệnh nhân có thể cảm thấy khó chịu lúc đầu. Tuy nhiên những triệu chứng này sẽ biến mất trong một vài tuần. Đây là loại kính có thể được thiết kế riêng để phù hợp với giác mạc của từng người.
  • Kính áp tròng tổng hợp. Đây là kết hợp giữa kính cứng và kính mềm, bên trong kính cứng và vòng xung quanh bên ngoài kính sẽ mềm để tăng sự thoải mái.
  • Kính áp tròng Scleral. Loại kính này thích hợp với người bị giác mạc hình chóp giai đoạn thứ hai. Đây là loại kính áp tròng to hơn loại bình thường, khi đeo lên sẽ lấn ra phần lòng trắng (củng mạc)

Kính áp tròng cứng hoặc kính áp tròng scleral, chỉ được bán theo toa của bác sĩ chuyên khoa mắt. Người bị giác mạc hình nón phải đi kiểm tra mắt thường xuyên để thay kính cho phù hợp với sự phát triển của bệnh.

Phẫu thuật

Ghép giác mạc giúp điều trị giác mạc hình chóp

Đối với bệnh nhân bị sẹo giác mạc, giác mạc phình quá mức hoặc không có khả năng đeo bất kỳ loại kính áp tròng nào có thể sẽ cần phẫu thuật. Các lựa chọn phẫu thuật cho bệnh giác mạc hình chóp bao gồm:

  • Đặt vòng implant trong giác mạc. Bác sĩ đặt miếng nhựa nhỏ, có hình lưỡi liềm vào giác mạc để làm phẳng hình nón, hỗ trợ hình dạng giác mạc và cải thiện thị giác. Chèn giác mạc có thể khôi phục lại hình dạng giác mạc bình thường, làm chậm sự tiến triển của bệnh và giảm nhu cầu ghép giác mạc. Đây là một biện pháp tạm thời, phẫu thuật này mang những rủi ro như nhiễm trùng và thương tích cho mắt.
  • Ghép giác mạc Nếu bệnh nhân bị sẹo giác mạc hoặc giác mạc cực mỏng, có thể sẽ cần ghép giác mạc. Ghép giác mạc nội mô là một ghép một phần giác mạc phía trước.Việc phục hồi sau phẫu thuật ghép giác mạc có thể mất tới một năm và bệnh nhân cần tiếp tục đeo kính áp tròng cứng. Thị lực có thể phục hồi hoàn toàn một vài năm sau cấy ghép giác mạc cho bệnh nhân bị giác mạc hình nón giúp điều trị khỏi bệnh. Tuy nhiên phương pháp này có các biến chứng như thải ghép, giảm thị lực, loạn thị, không có khả năng đeo kính áp tròng và nhiễm trùng.

Phương pháp điều trị trong tương lai

Các nhà khoa học đang nghiên cứu một loại điều trị gọi là liên kết ngang collagen giúp điều trị bệnh giác mạc hình chóp. Phương pháp này sẽ sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt đặc biệt và tia cực tím A (UVA) để tăng cường (liên kết chéo) các mô của giác mạc. Việc điều trị vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và cần nghiên cứu thêm trước khi đưa vào điều trị chính thức.

Giác mạc hình chóp là một căn bệnh hiếm gặp và có thể để lại hậu quả nghiêm trọng. Vì thế nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ giác mạc hình chóp hãy đến ngay các cơ sở bệnh viện mắt TW gần nhất để các bác sĩ kiểm tra và điều trị.
Tài liệu tham khảo:

  • https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/keratoconus/symptoms-causes/syc-20351352
  • Bệnh giác mạc hình chóp – viện y học ứng dụng – Xem thêm
  • https://www.webmd.com/eye-health/eye-health-keratoconus#1
  • Đặc điểm lâm sàng của bệnh giác mạc hình chóp – Lê Xuân Cung; Trương Khánh Mỹ Hằng; Phạm Ngọc Đông – Bệnh viện mắt trung ương – Đại học y Hải Phòng
  • Nghiên cứu biển đổi cận lâm sàng của các bệnh giác mạc hình chóp – Lê Xuân Cung; Trương Khánh Mỹ Hằng; Phạm Ngọc Đông – Tạp chí y dược học quân sự số 4 – 2014
  • Riboflavin/ultraviolet-a–induced collagen crosslinking for the treatment of keratoconus – Gregor Wollensak; Eberhard Spoer; TheoSeiler – See more
  • Keratoconus – Yaron S.Rabinowitz- See more
  • Keratoconus and related noninflammatory corneal thinning disorders – Jay H.Krachmer; Robert S.Feder; Michael W.Belin – See more