Cách nhỏ và tra thuốc mắt đúng cách

Một số bệnh về mắt, nhất là một số bệnh liên quan đến kết mạc, giác mạc có thể điều trị bằng cách nhỏ trực tiếp thuốc vào mắt. Loại thuốc dùng trực tiếp trên mắt là thuốc mỡ và thuốc nước. Thuốc tra, nhỏ mắt có đặc điểm ngấm trực tiếp vào mắt rất nhanh. Ví dụ: tetracain ngấm vào nội nhãn qua đường giác mạc nhanh hơn qua đường tiêm tĩnh mạch.

Do tính chất của thuốc tra, nhỏ mắt nên một số bệnh liên quan đến kết mạc, giác mạc thường được bác sĩ chỉ định dùng thuốc nước hay thuốc mỡ là chính. Ngoài ra thuốc nhỏ mắt còn có tác dụng làm sạch mắt, hoặc điều trị một số bệnh sâu hơn trong nhãn cầu như viêm màng bồ đào trước. Ví dụ: atropin dùng trong việc điều trị viêm màng bồ đào, có tác dụng tách dính đồng tử gây ra do viêm màng bồ đào trước. Một trong số những sai lầm của người dùng là thường nghĩ nước nhỏ mắt là phụ khi được cấp phát chung với các loại thuốc khác. Tuy nhiên tra, nhỏ thuốc nhỏ mắt thế nào cho đúng? Cách sử dụng thuốc nhỏ mắt đúng cách là như thế nào? Đây là vấn đề nhiều người còn chưa rõ, cùng tham khảo bài viết dưới đây để biết cách nhỏ thuốc mắt đúng cách.

Cách nhỏ thuốc nước

– Đầu tiên phải lau sạch mắt khỏi bụi bẩn hay ghèn.

– Nhỏ thuốc nước vào từng mắt, lưu ý nhỏ vào góc trong của mắt.

– Sau khi nhỏ, dùng ngón tay giữa kéo mi dưới xuống cho thuốc đều mắt, lưu ý sau khi nhỏ mới kéo mi dưới, không vừa nhỏ vừa kéo.

– Tiếp đó lau các giọt thuốc thừa chảy ra cạnh gốc sống mũi và hai mi.

– Nên để mắt cách đầu lọ thuốc nhỏ khoảng 1-2 cm, tránh để đầu lọ thuốc nhỏ mắt chạm vào mi mắt gây nhiễm khuẩn lọ thuốc nhỏ.

Với thuốc nhỏ mắt bình thường như Natri Clirid bạn có thể nhỏ 3 – 5 lần mỗi ngày. Với những loại thuốc nhỏ mắt chuyên trị, hãy nhỏ theo toa của bác sĩ. Tuy nhiên khi phải nhỏ 3-4 loại thuốc khác nhau thì làm thế nào? Đầu tiên ko nên nhỏ cùng lúc, vì sẽ làm pha loãng thuốc và làm thuốc sau rửa trôi thuốc trước. Vì thế mỗi thuốc nhỏ cách nhau nửa giờ là đủ.

Cách tra thuốc mỡ

– Cách tốt nhất là nhờ người khác nhỏ, trong khi người bệnh nằm ngửa đầu hoặc tựa đầu vào ghế.

– Dùng ngón tay trỏ và ngón cái, khẽ mở khe mắt của người bệnh, sau đó bóp một dải thuốc mỡ dài 3-5 ly vào mi dưới.

– Thả ngón trỏ khỏi mi dưới, tuy nhiên ngón cái vẫn giữ mi trên, không cho chớp. Vì mi trên chớp rất nhanh sẽ làm thuốc mỡ dính lên mi và không ngấm được vào mắt.

Thoa thuốc mỡ phải theo chỉ định của bác sĩ, nhưng để dễ dàng hơn nên tra vào giờ ngủ trưa hoặc tối trước khi đi ngủ, như vậy sẽ đủ thời gian hơn cho thuốc ngấm vào mắt.

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc nhỏ mắt

* Mỗi lần chỉ cần nhỏ 1 giọt duy nhất, giọt thứ hai thường bị tràn ra ngoài mắt, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn mắt, không những gây lãng phí mà còn làm giảm hiệu quả điều trị.

* Nếu sử dụng song song hai loại thuốc nước và thuốc mỡ, nên sử dụng thuốc nước trước, sau đó khoảng nửa giờ sau mới sử dụng thuốc mỡ để tránh thuốc mỡ ngăn cản sự hấp thu của thuốc nước.

* Sau khi vào mắt, thuốc sẽ qua ống mũi lệ vào mũi họng. Những loại thuốc điều trị tăng nhãn áp thường rất dễ ngấm vào máu theo cách nhỏ mắt thông thường. Vì thế, sau khi nhỏ thuốc hãy nhắm mắt, dùng ngón trỏ ấn nhẹ vào góc trong mắt ở gần sống mũi. Ấn trong khoảng 1-2 phút để tạo áp lực giúp giảm lượng thuốc trôi xuống mũi và họng.